LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN KHOA NGỮ VĂN
1. Ban Việt Hán thuộc Khoa Sư phạm – Viện Đại học Huế (trước 1975), tiền thân của Khoa Ngữ Văn ngày nay.
Ngày 1/3/1957 chính quyền Việt Nam Cộng hòa ở Sài Gòn ra Sắc lệnh số 45-GD quy định thiết lập tại Huế một viện đại học và một số trường phụ thuộc, lấy tên là Viện Ðại học Huế, đặt dưới quyền điều khiển của một Viện trưởng với sự phụ tá của một Tổng thư ký. Cùng ngày đó, Nghị định số 95-GD/NÐ với nội dung quy định tổ chức đại cương Viện Ðại học Huế lúc sơ khởi cũng được ban hành.
Khoa Ngữ Văn được thành lập năm 1957. Lúc mới thành lập, khoa chỉ là Ban Văn trong trường Cao đẳng sư phạm Huế (tiền thân của Viện đại học Huế). Đến tháng 8 năm 1958, khoa có tên gọi là Ban Việt Hán nằm trong Khoa Sư phạm thuộc Viện Đại học Huế.
Ban Việt – Hán có trọng trách đào tạo giáo viên trung học Đệ nhất cấp và giáo viên trung học Đệ nhị cấp cho cả vùng Miền Trung và Tây Nguyên. Trong 18 năm phát triển tính đến trước 1975, Ban Việt Hán của khoa Sư phạm thuộc Viện Đại học Huế đã đào tạo được khoảng 150 giáo viên cấp 2 và 200 giáo viên cấp 3 vừa có chuyên môn vững vừa có tinh thần yêu nước và dân tộc sâu sắc.
Giai đoạn này, ban Việt Hán có nhiều giáo sư tên tuổi như các thầy Trần Như Uyên, Nguyễn Văn Dương, Lê Khắc Phò, Đoàn Khoách, Vương Hữu Lễ, Nguyễn Văn Mỹ, Hà Thúc Hoan, Lê Tuyên. GS. Đoàn Khoách tốt nghiệp thủ khoa Đại Học Sư Phạm Huế năm 1960 với huy chương vàng. Ông nổi tiếng với nhiều sách nghiên cứu cổ văn và sách dịch Hán – Việt. Hiện là giảng viên Viện Việt học ở Westminster, California Hoa Kỳ. GS Lê Tuyên là nhà nghiên cứu văn học xuất sắc ở miền Nam với quan điểm và thực hành Hiện tượng luận – văn chương. Ông để lại nhiều công trình nối tiếng như: “Chinh phụ ngâm và tâm thức lãng mạn của kẻ lưu đày”; “Triết lý cuộc đời trong ca dao Việt Nam”, “Bản thể và hiện tượng trong thi ca Việt Nam”, “Thời gian hiện sinh trong “Đoạn trường tân thanh”. GS Nguyễn Văn Dương là nhà nghiên cứu văn học cổ, ông có đóng góp quan trọng với cuốn “Thử tìm hiểu diễn giả Chinh phụ ngâm khúc”.
Ngoài đội ngũ giảng viên cơ hữu, Ban Việt Hán còn có nhiều giáo sư danh tiếng thỉnh giảng đến từ các trường trong Viện Đại học Huế và Viện Đại học Sài Gòn như GS. Nguyễn Văn Chung, GS. Trần Thái Đỉnh. Bởi vậy nhiệm vụ đào tạo đạt được thành quả có chất lượng cao.
Đại học Sư Phạm thuộc Viện đại học Huế, hàng năm tuyển sinh vào ban Việt – Hán số lượng sinh viên tương đối ít (khoảng 10 – 20 sinh viên). Tuy nhiên hầu hết đều là những học sinh có năng khiếu và “mộng văn chương”. Vì thế, sau khi ra trường một thời gian, trong số này đã xuất hiện nhiều nhà văn tên tuổi.
– Ngô Kha: Tốt nghiệp thủ khoa khóa 1 Đại học Sư Phạm Huế. Tác phẩm nổi tiếng: Hai tập thơ “Hoa cô độc” và “Ngụ ngôn của người đãng trí”. Bị thủ tiêu một cách mờ ám vì tham gia tranh đấu trong phong trào đấu tranh đô thị Miền Nam.
– Nguyễn Mộng Giác: Tốt nghiệp thủ khoa ĐHSP Huế 1963. Tác phẩm tiêu biểu: Hai bộ trường thiên tiểu thuyết “Sông Côn mùa lũ” và “Mùa biển động”. Đã qua đời ở Mỹ.
– Trần Quang Long: Tốt nghiệp 1965. Các bút hiệu khác: Thảo Nguyên, Chánh Sử, Trần Hoàng Phong. Tác phẩm tiêu biểu: Thưa Mẹ Trái Tim (thơ tuyển). Hi sinh trong chiến đấu.
– Nguyễn Đắc Xuân: Rời trường 1966. Nổi tiếng trong lãnh vực nhiên cứu, biên khảo về Huế.
– Trần Duy Phiên: Tốt nghiệp 1967. Tác phẩm tiêu biểu: Trước khi mặt trời mọc (tập truyện trước 1975). Sau 1975 xuất bản hàng chục tập truyện ngắn và truyện dài “Trăm năm còn lại”.
– Đông Trình (Nguyễn Đình Trọng): Tốt nghiệp 1968: Tác phẩm tiêu biểu: Rừng dậy men mùa (tập thơ trước 1975). Sau này tiếp tục xuất bản hàng chục tập thơ khác. Hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam.
– Trần Hồng Quang (Trần Minh Thảo): Tốt nghiệp 1968. Cây bút chủ lực viết chính luận trên tạp chí Đối Diện trước 1975.
– Trần Hữu Lục: Tốt nghiệp 1968. Tác phẩm tiêu biểu: Cách một dòng sông (tập truyện trước 1975). Tiếp tục sáng tác thơ văn cho đến hiện nay. Hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam.
– Tần Hoài Dạ Vũ (Nguyễn Văn Bổn): Tốt nghiệp ĐHSP Huế 1969. Xuất bản nhiều tập thơ, chuyên khảo về Văn nghệ dân gian, hồi ký lịch sử “Phác thảo chân dung một thế hệ”. Hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam.
– Nguyễn Phú Yên: Tốt nghiệp 1969. Sáng tác thơ và nhạc. Nổi tiếng với ca khúc “Thuyền em đi trong đêm” trong phong trào “Hát cho dân tôi nghe” trước 1975.
– Ngô Văn Ban: Tốt nghiệp 1970. Chuyên khảo về văn nghệ dân gian. Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.
– Trần Kiêm Đoàn: Tốt nghiệp 1970. Nổi tiếng với các tác phẩm chuyên khảo về Huế, về Phật giáo và tiểu thuyết “Tu bụi”. Hiện sống và giảng dạy đại học ở Mỹ.
(theo Tư liệu của Tiêu Dao Bảo Cự trong bài “Một trải nghiệm về dạy và học môn Việt văn ở Miền Nam trước 1975”).
Từ khi ra đời đến năm 1975, Ban Việt Hán là nơi thể hiện tinh thần dân tộc một cách mạnh mẽ. Khi đất nước còn chiến tranh, nhiều giảng viên, sinh viên yêu nước trong các khóa học mang tên Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Bỉnh Khiêm,… lấy lý tưởng nhân văn làm tinh thần, lấy tính yêu dân tộc, yêu hòa bình làm nội lực, anh dũng xuống đường cùng nhân dân đấu tranh phản đối đế quốc Mỹ, chống chiến tranh. Cho đến nay, các tên tuổi như Ngô Kha, Trần Quang Long vẫn còn ngời sáng, để lại nhiều tiếc thương và khâm phục vô hạn cho bao thế hệ giảng viên và sinh viên. Những tên tuổi ái quốc khác như Trần Duy Phiên, Trần Minh Thảo, Trần Hữu Lục, Nguyễn Văn Bổn, Trần Đại Vinh, Nguyễn Xuân Hoa, Bửu Nam, Trần Thức đều là những gương sáng của cựu sinh viên, giảng viên Ban Việt Hán - Khoa Ngữ Văn.
2. Từ 1975 – nay: Khoa Ngữ Văn đi lên từ truyền thống
Năm 1975, đất nước thống nhất, hệ thống Đại học ở Huế có nhiều thay đổi. Các khoa trực thuộc Viện Đại học Huế trước 1975 được tách thành các trường Đại học độc lập. Ban Việt Hán được tổ chức lại và đổi tên thành khoa Ngữ Văn trực thuộc trường Đại học Sư phạm Huế.
Những năm đầu của thời kỳ này, lực lượng giảng viên gồm những GS đã từng giảng dạy trước năm 1975 và một số sinh viên xuất sắc của ban Việt – Hán được giữ lại làm giảng viên như thầy Ngô Thời Đôn, thầy Bửu Nam, cô Trần Thùy Mai. Sau đó, Khoa được bổ sung nhiều giảng viên đến từ các trường Đại học ở miền Bắc (Đại học sư phạm Hà Nội, Đại học sư phạm Vinh, Đại học sư phạm Việt Bắc) cũng như một số cơ quan khác của Bộ Giáo dục như các thầy cô: Trần Văn Hối, Nguyễn Văn Hạnh, Nguyễn Thị Hoàng, sau này là thầy Trần Thái Học, thầy Trần Hữu Phong, thầy Lê Văn Điền, thầy Hoàng Đức Khoa.
Cuối những năm 70 và suốt thập kỷ 80 của thế kỷ XX, Khoa đã mời rất nhiều các giáo sư danh tiếng từ các viện nghiên cứu, các trường đại học trong nước về thỉnh giảng như thầy Nguyễn Khắc Phi, thầy Hoàng Tiến Tựu, thầy Trần Đình Sử. Mặt khác, Khoa chủ động lựa chọn những sinh viên ưu tú từ các khóa học để tuyển dụng , bồi dưỡng trở thành giảng viên mới. Bởi vậy, dù nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu ngày càng nhiều nhưng Khoa Ngữ Văn luôn hoàn thành tốt sứ mạng nhà trường giao phó. Từ thập niên cuối của thế kỷ XX đến thập niên đầu của thế kỷ XXI, việc bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao trình độ giảng viên luôn được Khoa coi là nhiệm vụ then chốt. Vì vậy, dù từ sau khi thống nhất đến nay, nhân sự của Khoa luôn biến động: có giảng viên chuyển đi nơi khác, có giảng viên về hưu, nhưng Khoa vẫn đảm bảo được số lượng và chất lượng cán bộ ở mức cần thiết để đảm bảo công tác giảng dạy và nghiên cứu. Hiện nay, Khoa Ngữ Văn có 30 Cán bộ giảng viên và 01 nhân viên văn phòng. Khoa có 5 tổ bộ môn bao gồm: Tổ Văn học Việt Nam, Tổ Văn học nước ngoài, Tổ Lý luận văn học, Tổ Ngôn ngữ - Hán Nôm và Tổ Phương pháp dạy học.
Sau ngày giải phóng đến nay, hành trình nối tiếp truyền thống của Khoa một mặt dựa trên sự tôn vinh, kế thừa các giá trị đã có, mặt khác không ngừng sáng tạo những thành quả mới đáp ứng yêu cầu của thời đại. Thời kỳ bao cấp và một số năm đầu Đổi mới, Khoa gặp nhiều khó khăn. Lực lượng mỏng và phải “chi viện” cho Đại học Quy Nhơn và một số nơi khác. Việc dạy và học diễn ra trong bối cảnh cuộc sống hết sức khó khăn của thầy và trò. Tuy nhiên, lòng yêu nghề và say mê nghiên cứu đã giúp cho các giảng viên trong Khoa giữ được ngọn lửa khát vọng theo đuổi nghề nghiệp, vượt qua khó khăn. Do vậy, trong thập kỷ 90 của thế kỷ XX, Khoa có nhiều thành tự mới trong phát triển đội ngũ. Vấn đề chuẩn hóa, nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, tin học được thực hiện mạnh mẽ. Đến nay, Khoa có 18 tiến sĩ và phó giáo sư, hiện có 6 nghiên cứu sinh, số còn lại có trình độ thạc sĩ và đang theo học cao học.
Trong gần 60 năm xây dựng và phát triển, Khoa Ngữ Văn đã đào tạo được gần 7000 sinh viên chính quy, 2300 sinh viên hệ chuyên tu, 2200 sinh viên hệ vừa học vừa làm, hàng trăm sinh viên cử tuyển hệ dự bị đại học. Cựu sinh viên Khoa Ngữ Văn trở thành những giáo viên phổ thông được xã hội đánh giá cao về nhân cách nhà giáo và trình độ chuyên môn. Nhiều người trong số đó trở thành tiến sĩ, phó giáo sư, giảng viên đại học, nhà khoa học, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng.
Từ năm 1994, khoa mở được 05 ngành đào tạo thạc sĩ: Văn học Việt Nam, Văn học nước ngoài, Lý luận văn học, Ngôn ngữ học, Lý luận và phương pháp dạy học Văn – tiếng Việt. Tới nay tính cả cao học hệ C, khoa đã đào tạo được hơn 800 thạc sĩ cho các cơ sở từ miền Trung đến Tây Nguyên, từ thành phố Hồ Chí Minh đến các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Khoa cũng đào tạo thạc sĩ văn học nước ngoài cho Lào, dạy tiếng Việt cho sinh viên Nhật, Trung Quốc, Thái Lan và đang xúc tiến việc đào tạo cử nhân sư phạm Ngữ Văn cho sinh viên Nhật. Cùng với đào tạo, khoa đã tham gia chu kì bồi dưỡng giáo viên của Bộ giáo dục và đào tạo, các dự án nâng cao năng lực cho đội ngũ cốt cán của rất nhiều sở giáo dục và đào tạo ở miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ. Mảng hoạt động này của khoa cũng được xã hội đánh giá cao.
Gắn kết khoa học cơ bản với khoa học giáo dục, công tác nghiên cứu với công tác đào tạo, lấy kết quả nghiên cứu để phục vụ tốt cho giảng dạy là một định hướng thống nhất, xuyên suốt chi phối hoạt động chuyên môn của mỗi giảng viên và toàn đơn vị. Vì vậy, trong 60 năm qua, khoa đã có hàng trăm đề tài khoa học từ cấp khoa đến cấp trường, cấp tỉnh. Nhiều cán bộ đã tham gia đề tài cấp Nhà nước, chủ trì một số dự án về chương trình, giáo trình hoặc đề tài cấp Bộ. Nhiều sản phẩm trong số đó đã trở thành các chuyên đề phục vụ đào tạo cao học, hoặc in thành sách, hoặc trở thành tài liệu tham khảo cho giáo viên và sinh viên. Khoa cũng đã chủ trì và phối hợp tổ chức nhiều hội thảo khoa học, như: “Nâng cao hiệu quả dạy văn ở các trường trung học”, “Dạy lý luận văn học ở phổ thông trung học”, “Văn học thế giới đương đại”, “Dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc”, “Miền Trung: những vấn đề văn học, ngôn ngữ”, “Nâng cao chất lượng đào tạo và bồi dưỡng giáo viên Ngữ văn trung học phổ thông ở trường Đại học sư phạm”, “Văn học Thừa Thiên Huế” (lần I, II), “Nghiên cứu và dạy học Ngữ văn trong bối cảnh ngày nay”, “Mỹ học tiếp nhận văn học ở Việt Nam”.
Nhiều cán bộ trong khoa đã viết bài tham gia hội thảo trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó việc hướng dẫn sinh viên làm quen với nghiên cứu khoa học thông qua việc làm tiểu luận, khóa luận, đặc biệt là việc tham gia các đề tài cấp khoa, cấp trường cũng được khoa quan tâm thường xuyên. Số lượng đề tài, bài báo khoa học tham gia hội thảo của sinh viên ngày càng tăng rõ rệt. Có thể nói, mảng hoạt động này giúp cho năng lực nghiên cứu và chất lượng giảng dạy của giảng viên, nhất là giảng viên trẻ ngày càng được nâng cao rõ rệt.
Nhiều mảng hoạt động khác cũng được khoa quan tâm sâu sắc. Các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể trong Khoa thực sự là một khối thống nhất, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong quá trình chỉ đạo và thực hiện kế hoạch năm học. Công đoàn trở thành tổ ấm, chia sẻ buồn vui, quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của người lao động. Phong trào học tập, hoạt động xã hội của Đoàn thanh niên và Hội sinh viên luôn sôi nổi, tích cực.
Nhờ coi trọng đào tạo, nghiên cứu khoa học nhưng vẫn quan tâm thích đáng đến các mảng hoạt động khác nên trong gần 60 năm qua, khoa Ngữ Văn có nhiều hoạt động đáng nhớ. Đó là những buổi lao động ở Tân Lâm, Linh Thượng, Bầu Đưng của thời gian khó; những ngày thầy trò lặn lội sưu tầm văn học dân gian ở Thừa Thiên Huế, Quảng Nam – Đà Nẵng. Đó còn là những chuyến sinh viên đi thực tế văn chương ở Nghệ An, Hà Nội, Vịnh Hạ Long, Đền Hùng – Vĩnh Phúc; hay những chuyến du lịch tham quan Lào, Thái Lan của cán bộ trong khoa. Làm sao quên được những buổi giao lưu đậm đà tình nghĩa của cán bộ, sinh viên của khoa với các đoàn cán bộ, sinh viên khoa Văn – ĐHSP Hà Nội, ĐHSP thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Sài Gòn hay tạp chí Văn nghệ quân đội. Những đợt thi Nghiệp vụ sư phạm, Câu lạc bộ Văn học, thi sinh viên tài năng đều để lại những kí ức khó phai.
Nhờ những thành tích trên, Khoa Ngữ Văn đã nhận được nhiều bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, vinh dự nhất là được nhà nước trao tặng Huân chương lao động Hạng Ba. Nhiều cán bộ đã được tặng các phần thưởng cao quý, đặc biệt có 4 giảng viên được vinh danh nhà giáo ưu tú: NGƯT. Trương Dĩnh, NGƯT. Trần Hoàng, NGƯT. Trần Đại Vinh, NGƯT. Trần Thái Học.
Là thành viên của trường Đại học sư phạm, Khoa Ngữ Văn gánh vác một sứ mệnh cao quý là góp phần cũng nhà trường đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp giáo dục chung, nhất là trong địa bàn Miền Trung, Tây Nguyên. Bối cảnh hiện nay có nhiều cơ hội và thách thức vì vậy Khoa Ngữ Văn không thể bằng lòng với những gì đạt được mà phải không ngừng phấn đấu đổi mới để tiếp tục đi lên.
Trong bước đi của khoa Ngữ Văn suốt hành trình gần 60 năm qua có mồ hôi, sức lực, trí tuệ, thậm chí xương máu của biết bao thế hệ giảng viên, sinh viên trước và sau khi đất nước thống nhất. Chúng tôi xin được chân thành cảm tạ và mãi mãi ghi ơn đối với các thế hệ giảng viên và sinh viên đã chung sức tạo nên truyền thống và sự lớn mạnh của khoa như ngày hôm nay. Xin tri ân sâu sắc những tấm lòng cao đẹp của quý thầy cô đã nghỉ hưu, đã chuyển công tác và nhất là những người đã vĩnh viễn đi xa.
Xin cảm ơn tấm lòng bè bạn và đồng nghiệp muôn phương đã dành cho khoa Ngữ Văn trong suốt chặng đường gần 60 năm xây dựng và phát triển.
Chân thành cảm ơn!
Huế, ngày 23 tháng 04 năm 2016
Trưởng khoa Ngữ Văn
TS. Trần Hữu Phong